-
Bangladesh’s Top 10 Exports
-
Bangladesh đặt mục tiêu trao đổi thương mại 1 tỷ US$ với Việt Nam
-
Bangladesh tìm kiếm các nhà đầu tư từ Việt Nam
-
Quan hệ giữa Bangladesh và Vietnam
-
Triển vọng Kinh tế Bangladesh 2019: Một nền kinh tế phục hồi cần có chính sách hợp lý
-
Kinh tế Bangladesh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu và kiều hối
-
Việt Nam vươn lên trong ngành dệt may trong năm tháng cuối năm 2019
-
Các nước xuất khẩu gạo
Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo người dân Bangladesh ngưỡng mộ, giống như ở Việt Nam. Người đã trở thành hình tượng một chính trị gia đầy cống hiến trong lòng người dân Bangladesh - bà Pooja Sengupta, Giám đốc Nghệ thuật Nhà hát Vũ kịch Turongomi, Bangladesh, chia sẻ quá trình biên đạo vở vũ kịch “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình đi tìm ánh sáng”, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người.
“Trong quá trình biên đạo vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận được âm thanh văng vẳng của tiếng máy đánh chữ xung quanh tôi, tôi như thấy được ánh mắt kiên định có thể nhìn thấu tâm hồn mình. Tôi được chứng kiến cuộc đấu tranh của một người thanh niên dù chỉ có thể kiếm sống qua ngày nhưng làm việc hết sức chăm chỉ, tiết kiệm từng đồng xu lẻ để mua máy in ấn bằng tay để in tờ rơi. Và chỉ với những tờ rơi này, mà người thanh niên ấy đã khơi dậy sự đồng cảm của thế giới với nỗi thống khổ của dân tộc mình, để rồi cả thế giới chung tay hiện thực hóa giấc mơ giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc” - Pooja Sengupta - nghệ sĩ múa người Bangladesh, kiêm biên đạo múa, nhà nghiên cứu và đạo diễn - chia sẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chu du khắp thế giới để tìm kiếm sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước Việt Nam. Người nhìn ra được những tác động tiêu cực của chủ nghĩa đế quốc và nhận ra rằng trên thế giới, xã hội chỉ có hai giai cấp - giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Người là một trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thành công trong việc cùng lúc đấu tranh bằng ngòi bút lẫn hành động cách mạng, với nhiều bút danh ở nhiều quốc gia để ngụy trang. Dường như việc ngụy trang không chỉ xuất phát từ yêu cầu của tình hình, mà còn là sự trỗi dậy của một tâm hồn nghệ sĩ bên trong nhà lãnh đạo, mong muốn được hóa thân thành nhiều nhân vật đa dạng trên sân khấu cuộc đời.
“Ba câu hỏi vô cùng quan trọng luôn hiện hữu trong tâm trí tôi khi xây dựng một tác phẩm chính là “Tôi đang làm gì?”, “Vì sao?” và “Sẽ kết thúc như thế nào?”. Trả lời cho ba câu hỏi này luôn giúp tôi có được những yếu tố cơ bản nhất cho một tác phẩm nghệ thuật - ý tưởng, động lực và phương pháp” - nghệ sĩ Sengupta nói.
Tự hào và áp lực
Giám đốc Nghệ thuật Nhà hát Vũ kịch Turongomi chia sẻ, chỉ kể lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian 40 phút đã quá khó, nên việc tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật cho khán giả quốc tế là một công việc vô cùng khó. “Vì là một tác phẩm mang tính nghệ thuật sân khấu chứ không chỉ đơn thuần là tả thực, tôi đã phải cố gắng rất nhiều để tìm cảm hứng. Hầu hết các động tác múa trong tác phẩm đều được biên đạo trong phòng tập của tôi và được lấy cảm hứng từ các điệu múa cổ điển, cũng như các hình thức thiền và võ thuật… Ban đầu, các khung cảnh tôi tưởng tượng còn khá mờ ảo và vô định. Tôi đã cố gắng nhào nặn và định hình chúng bằng cách vẽ các phác thảo. Các phân cảnh, động tác biểu diễn dần dần trở nên rõ ràng, rồi các phác thảo được dàn dựng trên sàn tập. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Lênin là người anh hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình, đó là các phương pháp xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội của Lênin. Chúng tôi đã cố gắng khắc họa những khoảnh khắc này bằng cách áp dụng các kỹ thuật múa và sân khấu trên nền âm thanh tĩnh lặng” - nghệ sĩ cho hay.
Bà Sengupta bày tỏ, riêng việc dựng một tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một thử thách lớn và còn lớn hơn khi làm một tác phẩm chính thức cho Chính phủ Việt Nam. Đó thật sự là một niềm tự hào, nhưng cũng vô cùng áp lực. Trong quá trình dựng vở diễn, nhà hát Vũ kịch Turongomi và sinh viên Trường Múa Turongomi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo và cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh.
“Tôi xin chúc mừng và gửi lời chúc mừng chân thành đến nhân dân Việt Nam và những người ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người. Hồ Chí Minh là tên mà Người đã chọn cho mình. Nó có nghĩa là Người mang ánh sáng. Ánh sáng Người đã thắp lên, chính là ánh sáng lương tri trong chúng ta, soi sáng tâm hồn mỗi chúng ta. Một khi chúng ta chinh phục cái tôi vị kỷ của mình, chân lý này sẽ soi rọi mãi mãi cho ta. Cùng thổi bùng lên ngọn lửa trong mỗi chúng ta được ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi rọi để tôn vinh cuộc đời của Người trong dịp lễ kỷ niệm này” - nghệ sĩ Sengupta bày tỏ.